KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2013

Tin Tức

Ngoài công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của bất cứ nhà trường nào. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập trường (tháng 1/ 2013), Ban giám hiệu Trường Ðại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ  (CTUT) đã xác định rõ tầm quan trọng và lợi ích của nhiệm vụ này.  CTUT luôn khuyến khích động viên cán bộ giảng viên tích cực tham gia hoạt động NCKH dưới nhiều hình thức với hy vọng rằng thông qua hoạt động này mỗi cán bộ, giảng viên của nhà trường không những tiếp thu được thông tin mới mà còn tiếp cận được với những phương pháp, tư duy mới. Trong buổi tham dự báo cáo seminar, Tiến sĩ Dương Thái Công – Hiệu trưởng CTUT nhấn mạnh: “Hoạt động nghiên cứu là một quá trình tự học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn. Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp cho đội ngũ cán bộ giảng viên chủ động sáng tạo, cải tiến và đổi mới nội dung cũng như phương pháp giảng dạy.”

Để hỗ trợ và quản lý tốt công tác NCKH, CTUT đã thành lập Phòng Nghiên cứu khoa học- Hợp tác quốc tế – Dự án (KHQTDA). Phòng KHQTDA đã sớm ban hành được những văn bản cụ thể rõ ràng về Qui trình NCKH và Qui chế hoạt động NCKH và Sở hữu trí tuệ giúp cho hoạt đông NCKH của cán bộ giảng viên có tính khoa học hơn và việc quản lý hoạt động NCKH cũng đi vào nề nếp hơn.

Với cơ chế và chính sách thu hút như tính 20 tiết chuẩn cho giảng viên có bài báo cáo đạt yêu cầu trở lên và ½ tiết cho người tham dự, 60 tiết cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, 150 cho bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, 60 tiết cho bài báo được đăng trên tạp chí trong nước,….  Phòng KHQTDA đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ giảng viên ở các phòng khoa. Kết quả hoạt động NCKH của CTUT trong năm 2013 so với năm 2012 được tóm tắt trong biểu bảng sau:

STT

Nội dung

Đơn vị       

Số lượng

1

Số lượng các chương trình, đề tài/dự án hợp tác với nước ngoài mà đơn vị tham gia (partner)  

Đề tài/Dự án

0

2

Số lượt người tham dự các khóa đào tạo và bồi dưỡng về KH&CN của nước ngoài và các tổ chức quốc tế

Lượt người

04

3

Số người của đơn vị tham gia các nhóm nghiên cứu quốc tế                  

Người

02

4

Số bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có tác giả là cán bộ của đơn vị

Bài báo

11

5

Số báo cáo khoa học đóng góp trong các hội thảo quốc tế      

Báo cáo     

03

6

Số báo cáo khoa học đóng góp trong các tạp chí trong nước

Báo cáo     

03

7

Số báo cáo seminar nội bộ

Báo cáo

56

8

Số đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở

Đề tài

01

9

Ký kết hợp tác trong nước                

Lượt

04

Tuy con số 14 bài NCKH được đăng trên các tạp chí quốc tế và trong nước là chưa cao nhưng con số này cũng là thành quả đáng khích lệ trong giai đoạn mới thành lập của CTUT. Điều này cũng cho thấy đội ngũ giảng viên CTUT đang nỗ lực hòa mình vào nhịp sống khoa học và học thuật của quốc tế. Số lương báo cáo seminar nội bộ khá nhiều và đã thu hút được rất đông cán bộ tham dự. Theo thống kê của Phòng KHQTDA, bài “Phương pháp nghiên cứu  trong lĩnh vực giáo dục học” do Tiến sĩ Doãn Minh Đăng- Phó khoa Khoa Điện – Điện tử viễn thông-  báo cáo đã thu hút hơn 40 lượt cán bộ giảng viên tham dự, bài “Phân tích cầu đầu tư máy móc thiết bị của doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu An cũng đã thu hút gần 40 lượt cán bộ giảng viên. 

 

Qua các báo cáo seminar nội bộ, nhiều kiến nghị đóng góp xây dựng nhà trường đã được ghi nhận. Khi đề cập đến đổi mới phương pháp giảng dạy, Tiến sĩ Doãn Minh Đăng đề nghị CTUT nên đánh giá lớp học theo các thang điểm của CLASS và đánh giá hiệu quả của giáo viên theo các thang điểm của PLATO. Bộ thang điểm CLASS và PLATO là kết quả của dự án MET (đánh giá việc dạy học hiệu quả) được một số trường đại học lớn của Mĩ hợp tác thực hiện, và được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng nghiên cứu về khoa học giáo dục. Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt- giảng viên Tiếng Anh của Khoa Khoa học Cơ bản- cũng có đề xuất cải tiến việc giảng dạy đàm thoại tiếng Anh bằng cách sử dụng các video clip. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, để thuận tiện trong giảng dạy, giảng viên nên sử dụng những video clip có 2 phần: không có phụ đề (phần đầu clip), có phụ đề (phần sau clip) và giảng viên cũng có thể tự làm clips (nếu có thể) để linh hoạt hơn trong giảng dạy. Trong bài báo cáo “Giới thiệu phần mềm mô phỏng ASPEN PLUS và gPROMS ứng dụng trong công nghệ hóa học”, Thạc sĩ Lê Sĩ Thiện- giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm-  đã đề xuất giới thiệu cho sinh viên ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ hoá học phần mềm mô phỏng này trong quá trình làm đồ án môn học nhằm giúp sinh viên tiếp xúc được với những kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn. Thạc sĩ Dương Ngọc Đoàn- giảng viên Khoa Điện – Điện tử viễn thông- đã có một bài báo cáo về các công nghệ mới trong lĩnh vực thông tin di động. Theo Thạc sĩ Dương Ngọc Đoàn để đáp ứng nhu cầu truyền dữ liệu trên mạng viễn thông di động ngày càng tăng, các công nghệ kỹ thuật mới  được nghiên cứu phát triển nhằm  nâng cao hiệu quả sử dụng băng thông như tăng số lượng trạm phát sóng, thiết lập mạng không đồng nhất (HetNets), sử dụng kết hợp nhiều tần số (carrier aggregation), truyền dẫn nhiều anten (MIMO), kỹ thuật sóng radio tự nhận biết (cognitive radio technology), mạng tự  điều chỉnh (self-organizing networks – SON). Bên cạnh đó, tận dụng những ưu điểm của mạng Wi-Fi, tích hợp mạng Wi-Fi vào mạng viễn thông di động hứa hẹn sẽ giúp cải thiện đáng kể tốc độ truyền dữ liệu, giảm chi phí đầu tư, vận hành. Thạc sĩ Trần Thị Hồng Nga – giảng viên Tiếng Anh của Khoa Khoa học Cơ bản-  đã có một bài giới thiệu về tầm quan trọng của việc hướng dẫn và giải bài tập vi tích phân. Trong đó Thạc sĩ Trần Thị Hồng Nga chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế về cách giải các bài tập tích phân bất định, tích phân xác định, tích phân suy rộng. Trên đâychỉ là một vài đơn cử về các đề xuất của các báo cáo viên đóng góp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của CTUT và công đồng. Nhìn chung các khoa của CTUT đều có bài báo cao và kiến nghị.

 

Tuy nhiên cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng hoạt đông NCKH của CTUT trong năm 2013 chưa thực sự phát huy hết năng lực. Nội dung một số bài báo cáo có chất lương chưa cao: chưa có tính học thuật và ứng dụng rõ ràng. Một vài báo cáo viên chưa thực hiện đúng các qui định về hình thức và nội dung báo cáo. Số liệu và nội dung của một số báo cáo chưa thực sự thuyết phục được người nghe. Một số báo cáo viên chưa tự tin với việc nói chuyện trước công chúng,….

Như chúng ta đều biết, mỗi nhà trường muốn làm mới mình, muốn không bị lạc hậu trước xu thế phát triển ngày càng sâu và rộng của quá trình hội nhập, muốn luôn đổi mới, sáng tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo thì cần thiết phải coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học trong suốt quá trình hoạt động của mình. Với đội ngũ cán bộ trẻ năng động và có tinh thần cầu tiến cao, CTUT có quyền hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn trong hoạt động NCKH của trường trong năm 2014 và những năm tiếp theo.